Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Mai Văn Trinh cho biết đề thi minh họa sau khi đưa lên mạng đã nhận được nhiều góp ý và sẽ được điều chỉnh theo hướng có lợi cho học sinh.
Ngày 25/5, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đến kiểm tra tình hình chuẩn bị thi THPT quốc gia ở tỉnh Tuyên Quang – nơi vừa có cụm thi đại học vừa có cụm thi do Sở Giáo dục chủ trì.
Trước một số ý kiến liên quan đến độ khó và kết cấu của đề thi minh họa, Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng Mai Văn Trinh cho biết ngay sau khi đề thi minh họa đưa lên mạng, Cục đã có bộ phận phân tích chi tiết trên tinh thần tiếp thu nghiêm túc, để chỉnh sửa làm sao tạo thuận lợi nhất cho thí sinh. Cấu trúc đề thi gồm khối câu hỏi cơ bản và khối câu hỏi nâng cao.
“Điều kiện xét tốt nghiệp cho các em năm nay không chỉ có điểm thi trung bình 4 môn thi (50%) mà còn tính cả điểm trung bình năm lớp 12 (50%), ngoài ra còn điểm khuyến khích theo đối tượng, theo khu vực. Vì vậy học sinh, phụ huynh không nên quá lo lắng”, ông Trinh nói.
Thứ trưởng Giáo dục Bùi Văn Ga cho biết chưa có tỉnh miền núi nào tổ chức thi thử, nhưng kết quả khảo sát đề thi minh họa ở một số địa phương, trường THPT thì có cả mức độ khó lẫn trung bình, vừa phải. Từ nay đến khi bắt đầu vào công tác làm đề thi, Bộ sẽ tiếp tục tiếp tục ghi nhận ý kiến từ địa phương về đề thi minh họa để công tác thiết kế đề thi đáp ứng được yêu cầu sao cho để các cháu học để thi tốt nghiệp phổ thông không có áp lực và phân luồng tốt ở trên để vào đại học.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sự chủ động, nghiêm túc trong công tác chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia của tỉnh Tuyên Quang, tạo thuận lợi tối đa cho học sinh.
Phó thủ tướng nhắc nhở, Tuyên Quang và các cụm thi do địa phương chủ trì cần bảo đảm chỗ ăn ở, đi lại cho thí sinh và phụ huynh, trong đó đặc biệt lưu ý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. “Tùy điều kiện từng địa phương nhưng phải có cán bộ theo sát để những học sinh không tham gia ôn thi tập trung tại trường vẫn có điều kiện tham gia và hoàn thành kỳ thi”, ông Đam nói.
“Chúng ta đổi mới cách thi cho học sinh nhưng vẫn dựa trên kết quả học sách giáo khoa cũ, phương pháp giảng dạy cũ, chương trình cũ, yêu cầu cũ, vì vậy kỳ thi THPT quốc gia không phải là siết chặt lại mà tạo một mặt bằng trung thực, khách quan, đánh giá đúng năng lực của học sinh, làm cơ sở cho quá trình đổi mới”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Nguồn: diemthi.com.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét