Hàng trăm giáo viên Hà Tĩnh có nguy cơ mất việc

Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định sẽ kiểm tra vụ việc hàng trăm giáo viên hợp đồng ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) có nguy cơ bị cắt hợp đồng. Vụ việc này có những dấu hiệu sai phạm giống như ở Bắc Ninh đó là có chỉ tiêu tuyển dụng nhưng không tổ chức thi tuyển mà ký hợp đồng lao động trong nhiều năm.



Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Nội vụ ngày 7/5, liên quan đến thông tin hàng trăm giáo viên hợp đồng của huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) có nguy cơ bị mất việc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho hay: Trường hợp này giống như trường hợp các giáo viên ở huyện Yên Phong (Bắc Ninh). Có thể UBND huyện Kỳ Anh đã được phân cấp cho tổ chức tuyển dụng viên chức nhưng họ không làm mà chỉ ký hợp đồng lao động với các giáo viên. Những giáo viên đã làm việc 5 năm, 10 năm nay bị cắt hợp đồng lao động và nếu tổ chức thi tuyển có thể sẽ không trúng tuyển.


Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trao đổi với báo chí về vụ việc hàng trăm giáo viên ở huyện Kỳ Anh có nguy cơ mất việc.

“Vấn đề này Bộ Nội vụ sẽ làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh để làm sáng tỏ. Nếu có sai phạm sẽ chấn chỉnh” - Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Tuấn, việc phát hiện ra UBND huyện Kỳ Anh thực hiện sai quy định nên UBND tỉnh yêu cầu Sở Nội vụ ra văn bản chấn chỉnh là điều cần thiết. Trước đây, khi phát hiện ra sai phạm ở vụ việc huyện Yên Phong (Bắc Ninh), Bộ Nội vụ cũng đã có văn bản gửi các địa phương yêu cầu hằng năm phải tuyển dụng viên chức theo quy định của pháp luật chứ không được ký hợp đồng lao động.
Thứ trưởng Tuấn cũng khẳng định, việc chấm dứt hợp đồng giáo lao động với các giáo viên là điều cần thiết vì đây là biện pháp bảo vệ quyền lợi lâu dài cho họ. Nếu ký hợp đồng lao động thì giáo viên chịu nhiều sức ép, mức lương không đảm bảo theo quy định, cấp trên nói gì thì phải là nghe theo... Khi họ trở thành viên chức (trúng tuyển sau khi thi tuyển) thì quyền lợi sẽ được đảm bảo, được tăng lương theo định kỳ, được hưởng quyền lợi dành cho nhà giáo...
Trước đó, sau hàng loạt bài viết liên quan đến tuyển dụng viên chức giáo viên của huyện Yên Phong (Bắc Ninh), ngày 16/5/2014, Bộ Nội vụ đã có văn bản gửi các Bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý công tác tuyển dụng công chức, viên chức
Trong công văn này, Bộ Nội vụ nhấn mạnh: Trong thời gian vừa qua vẫn có tình trạng một số cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập chưa làm tốt công tác tuyển dụng công chức, viên chức, vẫn để xảy ra tình trạng ký hợp đồng lao động trong chỉ tiêu biên chế mà không thực hiện tuyển dụng công chức hoặc ký hợp đồng lao động làm các công việc chuyên môn, nghiệp vụ thường xuyên trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Để thực hiện đúng quy định của pháp luật, thực hiện tốt mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức theo Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 18/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, Bộ Nội vụ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý công tác tuyển dụng công chức, viên chức thực hiện nghiêm túc và đúng quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Nghị định 24/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, Nghị định số 29/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và các văn bản hướng dân thi hành trong việc tổ chức tuyển dụng công chức, viên chức.
Chỉ đạo người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng công chức, viên chức phải chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức tuyển dụng hàng năm trên cơ sở chỉ tiêu biên chế, số lượng người làm việc được cơ quan có thẩm quyền phân bổ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi thực hiện. Qua đó, kịp thời bổ sung công chức, viên chức vào làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị theo nhu cầu.
Việc ký hợp đồng lao động để làm chuyên môn, nghiệp vụ trong các đơn vị sự nghiệp công lập phải trong phạm vi định mức hoặc số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền giao, bảo đảm tuân thủ theo đúng các quy định của Bộ Luật Lao động, trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và đơn vị sự nghiệp công lập.

Nguồn: Tổng hợp

Share on Google Plus

About Unknown

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét