Các trường ĐH, CĐ sẽ liên tục cập nhật danh sách đăng ký xét tuyển theo danh sách học sinh được xếp điểm từ cao xuống thấp.
Đến thời điểm này, công tác đăng ký dự thi THPT Quốc gia đã cơ bản hoàn thành. Gần 1 triệu học sinh cả nước đang gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng này. Tuy nhiên, tới thời điểm này nhiều học sinh và phụ huynh vẫn lo lắng vì một số qui định chưa rõ ràng. PGS, TS Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã giải đáp những thắc mắc này.
PGS, TS Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục
PV: Thời hạn cho thí sinh đăng ký dự thi theo nguyện vọng vừa kết thúc. Ông thấy tỷ lệ học sinh đăng ký theo các nguyện vọng này như thế nào?
Ông Mai Văn Trinh: Theo kế hoạch, đến nay, công tác đăng ký dự thi kỳ thi THPT Quốc gia đã hoàn tất. Trong cả nước có gần 1 triệu thí sinh dự thi. Kết quả đăng ký dự thi như sau: Tỷ lệ các thí sinh dự thi THPT Quốc gia chỉ để xét chứng nhận tốt nghiệp chiếm tỷ lệ xấp xỉ 28%; tỷ lệ các t hí sinh lấy kết quả vừa để xét kết quả tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng chiếm tỷ lệ xấp xỉ 60% và tỷ lệ những thí sinh dự thi chỉ để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng chiếm 12%.
PV: Việc tổ chức cụm thi do trường ĐH chủ trì hoặc cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì khiến dư luận lo ngại sẽ không công bằng cho kết quả tốt nghiệp THPT giữa các địa phương với nhau khi mà nơi coi chặt, nơi coi lỏng… Bộ GD-ĐT sẽ làm gì để bảo đảm tính công bằng, khách quan giữa các cụm thi này?
Ông Mai Văn Trinh: Khi thiết kế mô hình tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia, đặc biệt xây dựng qui chế cho kỳ thi này, vấn đề này đã được chúng tôi cân nhắc, xem xét để có các giải pháp kỹ thuật hướng tới khắc phục tình trạng này.
Tất cả các cụm thi trong cả nước, kể cả các cụm thi do các trường ĐH chủ trì hay các cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì đều được tổ chức trong một khuôn khổ của một qui chế và cùng một qui trình kỹ thuật giống nhau, đều có sự tham gia của các trường ĐH, các Sở GD-ĐT đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của BCĐ cấp tỉnh và BCĐ thi quốc gia. Đây là những giải pháp hướng tới bảo đảm khách quan, công bằng cho tất cả các thí sinh ở tất cả các cụm thi. Thực tế, đến nay khá nhiều địa phương đã thỏa thuận với các trường đại học chủ trì để chấm bài thi ở các hội đồng thi đối với các thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp. Đây là việc làm chủ động, thể hiện sự nghiêm túc và quyết tâm của các Sở GD-ĐT trong việc tổ chức nghiêm túc kỳ thi THPT.
PV: Theo qui chế, có một băn khoăn nữa là sau khi có kết quả thi THPT Quốc gia rồi thí sinh mới được đăng ký xét tuyển và các trường ĐH-CĐ. Nhưng thí sinh lúc đó thì chưa biết điểm chuẩn của các trường. Vậy làm sao thí sinh có thể dự đoán được xác suất trúng tuyển để đăng ký vào các trường?
Ông Mai Văn Trinh: Có thể nói, qui chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 có một điểm tiến bộ so với việc tuyển sinh trước đây, đó là tiến hành thi trước và tuyển sinh sau. Đây cũng là cách tiếp cận với tuyển sinh của các nước có nền giáo dục đại học phát triển. Theo đó, sau khi có kết quả thi, thí sinh sử dụng để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Có một số giải pháp đồng bộ hỗ trợ học sinh trong chuyện này.
Thứ nhất, phần mềm quản lý thi sẽ cung cấp cho thí sinh biết các số liệu thống kê liên quan đến kỳ thi này.
Thứ hai, trong quá trình xét tuyển sinh, theo qui định của qui chế cứ 3 ngày 1 lần các trường đại học, cao đẳng công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là trên website của trường tình hình đăng ký xét tuyển cho đến thời điểm đó. Cụ thể đưa ra danh sách đăng ký xét tuyển theo danh sách học sinh đã xếp điểm từ cao xuống thấp. Học sinh căn cứ vào điểm, chỉ tiêu xét tuyển của trường, các em hoàn toàn có thể dự báo được khá chính xác khả năng đỗ hay trượt của mình để có phương án tiếp theo, bảo đảm quyền lợi cho mình.
Thí sinh lưu ý, trong đợt xét tuyển đầu tiên, trong thời gian đăng ký xét tuyển, các em có thể được thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển nếu thấy rằng khả năng đỗ của mình không cao. Đây cũng là điểm điều chỉnh tiến bộ hướng tới bảo đảm quyền lợi của thí sinh.
PV: Theo qui chế của kỳ thi, thí sinh có tối đa 16 nguyện vọng. Điều này không chỉ gây khó khăn cho các trường khi có nhiều thí sinh ảo, gây lúng túng cho thí sinh khi lựa chọn trường, ngành nghề?
Ông Mai Văn Trinh: Câu chuyện này chúng ta có thể nói như sau, với những thí sinh đã đăng ký dự thi lấy kết quả kỳ thi này để tuyển sinh đại học, cao đẳng thì sau khi có kết quả thi, các em sẽ được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi, trong đó giấy số 1 được sử dụng để xét tuyển nguyện vọng 1 (đợt 1). Với mỗi giấy như vậy, các em có thể đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào cùng 1 trường. Ở đợt xét tuyển sinh thứ nhất, các nguyện vọng bình đẳng, phần mềm tuyển sinh sẽ hỗ trợ các trường để xét tuyển. Với cách làm như thế này, trong đợt xét tuyển thứ nhất hầu như khắc phục tình trạng thí sinh ảo. Qua kinh nghiệm tuyển sinh nhiều năm, sau khi kết thúc đợt 1 về căn bản các trường đã tuyển sinh đủ hoặc gần đủ chỉ tiêu. Còn những phần chỉ tiêu thiếu, chưa đáp ứng thì sẽ tuyển bổ sung ở các đợt tiếp theo. Các đợt này các em sẽ sử dụng tối đa cả 3 giấy báo kết quả còn lại để đăng ký xét tuyển sinh vào các trường. Đúng là với cách làm này ở các đợt tuyển sinh bổ sung, mặc dù chỉ tiêu không còn nhiều, nhưng sẽ có hiện tượng thí sinh ảo. Chúng tôi đã tính toán việc này và trong phần mềm quản lý tuyển sinh sẽ có một số giải thuật để hỗ trợ các trường trong việc khắc phục, xử lý tình trạng này.
PV: Như vậy thời gian chấm thi cũng phải rất gấp để thí sinh kịp có kết quả cho việc xét tuyển đại học, cao đẳng. Vậy việc điều động giáo viên chấm thi, coi thi kỳ thi này có sự tham gia của giáo viên THPT kết hợp với các trường ĐH, CĐ và các tỉnh thành sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Mai Văn Trinh: Khi xây dựng các qui chế, đặc biệt là các hướng dẫn để triển khai kỳ thi THPT Quốc gia thì lịch trình của các khâu chúng tôi đã tính toán rất kỹ, trong đó có quỹ thời gian dành cho công tác chấm thi. Các cơ sở giáo dục đại học được giao chủ trì cụm thi sẽ có các số liệu chi tiết, trên cơ sở đó sẽ tính toán được nhu cầu cần số cán bộ chấm thi cho từng môn là bao nhiêu, đặc biệt là các môn tự luận, Toán, ngữ văn. Các cơ sở này sẽ phối hợp với các Sở GD-ĐT điều động đủ số lượng cán bộ chấm thi để bảo đảm chất lượng và tiến độ đề ra. Đến nay, các đơn vị đều đã có kế hoạch và sẵn sàng cho kỳ thi.
>> xem thêm: điểm thi tốt nghiệp thpt 2015
Nguồn: Tổng hợp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét